Giá dầu sẽ tăng đến mức nào nếu Iran trả đũa Mỹ?

Giá dầu có thể nhảy vọt lên mức 80 đô la Mỹ/thùng nếu căng thẳng Mỹ-Iran leo thang dẫn đến các gián đoạn nguồn cung dầu ở Trung Đông. Thậm chí giới phân tích cho rằng giá dầu có thể tăng lên mức 150 đô la/thùng nếu một cuộc chiến tranh toàn diện bùng nổ ở khu vực này.

Người dân Iran tuần hành trên đường phố thủ đô Tehran (Iran) để phản đối vụ không kích của Mỹ ở Baghdad (Iraq), khiến Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng. Ảnh: AFP

Thị trường dầu căng thẳng

Hôm 3-1, giá dầu Brent ở London và giá dầu Tây Texas ở New York đều tăng mạnh hơn 3% sau khi thị trường đón nhận tin Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bị thiệt mạng trong vụ không kích ở sân bay Baghdad (Iraq) vào rạng sáng cùng ngày.

Soleimani được xem là nhân vật quyền lực đứng thứ hai ở Iran, chỉ đứng sau lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei Sau vụ không kích trên, ông Khamenei thề sẽ “trả đũa cứng rắn”.

Ông James Athey, Giám đốc đầu tư cấp cao ở Công ty Aberdeen Standard Investments, nhận định vụ không kích là hành động leo thang căng thăng nghiêm trọng của Mỹ với Iran, vì vậy, thị trường dầu sẽ căng thẳng trong một thời gian dài.

Trong báo cáo gửi cho khách hàng vào cùng ngày, tổ chức tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group nhận định Iran sẽ trả đũa bằng các vụ xung đột nhỏ đến vừa nhằm vào các mục tiêu của Mỹ tại Iraq trong ít nhất một tháng.

“Lực lượng phiến quân được Iran hậu thuẫn sẽ tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq và một số binh sĩ Mỹ có thể thiệt mạng. Mỹ cũng sẽ đáp trả bằng các vụ không kích bên trong lãnh thổ Iraq”, báo cáo nêu rõ.

Các nhà phân tích của Eurasia Group dự báo trong ngắn hạn, giá dầu Brent có thể neo quanh mức 70 đô la Mỹ/thùng. Tuy nhiên cũng có thể tăng vọt lên mức 80 đô la/ thùng nếu xung đột lan rộng đến các mỏ dầu ở miền nam Iraq hoặc nếu Iran gia tăng quấy nhiễu các tàu chở dầu đi qua eo biển Hormuz nằm ở phía nam Iran.

Theo EIA, eo biển Hormuz kết nối giữa Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương là điểm tắc nghẽn dầu quan trọng nhất thế giới. Bởi lẽ trung bình 21 triệu thùng dầu được vận chuyển qua đây mỗi ngày trong năm 2018. Lượng dầu này chiếm hơn 20% nhu cầu tiêu thụ dầu của toàn cầu. Iran từng đe dọa hạn chế tiếp cận eo biển Hormuz để trả đũa các kế hoạch bóp nghẹt nền kinh tế Iran của Mỹ.

Với diễn biến trên, Công ty tư vấn kinh tế Capital Economics (Anh) cũng đưa ra báo cáo với khách hàng. Theo đó, đưa ra cảnh báo rằng nếu Iran đóng cửa eo biển biển Hormuz, giá dầu Brent có thể tăng phi mã lên mức 150 đô la/thùng. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu căng thẳng Mỹ-Iran dẫn đến một một xung đột quân sự toàn diện ở vùng Vịnh Ba Tư.

Đà tăng khó kéo dài

Giới phân tích dự báo rằng một hành động trả đũa có chừng mực của Iran sẽ không làm gián đoạn nguồn cung dầu từ Trung Đông, do vậy, đà tăng giá của dầu khó kéo dài.

Eo biển Hormuz (chấm đỏ) là điểm tắc nghẽn dầu quan trọng nhất thế giới vì trung bình 21 triệu thùng dầu được vận chuyển qua đây mỗi ngày. Ảnh: Market Watch

Ngoài các căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq, các mục tiêu trả đũa khác mà Iran có thể nhắm đến là cơ sở hạ tầng dầu khí ở các đồng minh trong khu vực chẳng hạn Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) hay Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. 

Hồi tháng 9, Mỹ từng đổ lỗi cho Iran về vụ tấn công tên lửa nhằm vào hai cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia. Điều này khiến hơn 50% công suất dầu của nước này bị gián đoạn trong một thời gian ngắn nhưng Iran bác bỏ cáo buộc này.

Giới phân tích nhận định hiện nay, Iran ít có khả năng tiến hành một vụ tấn công tương tự vì lo ngại sẽ châm ngòi cho hành động quân sự lớn hơn từ Mỹ và các đồng minh.

“Trong ngắn hạn, chúng tôi không cho rằng sẽ xảy ra bất cứ gián đoạn nguồn cung nào. Iran sẽ không hành động ngớ ngẩn. Họ sẽ không vội vã trả đũa. Họ sẽ cần thời gian để cân nhắc”, Amrita Sen, Giám đốc phân tích thị trường dầu ở công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects cho hay.

Giới đầu tư đã quen với mối đe dọa nguồn cung dầu gián đoạn ở Trung Đông trong nhiều tháng qua. Hồi tháng 9, giá dầu Brent tăng vọt hơn 14%, lên mức 69 đô la/thùng sau khi hai cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia bị tấn công, làm gián đoạn 5% nguồn cung dầu toàn cầu mỗi ngày.

Nhưng Saudi Arabia chỉ mất 11 ngày để khôi phục phần lớn công suất dầu bị mất mát. Đến đầu tháng 10, giá dầu Brent đánh mất hết thành quả tăng điểm, trở về dưới mức 57 đô la/thùng. Đến hôm 3-1, giá dầu Brent leo lên mốc 69 đô la/thùng một lần nữa.

Michael Widmer, nhà chiến lược hàng hóa ở Ngân hàng Bank of America,  cho rằng thị trường dầu hiện nay đã thay đổi nhiều so với những thập niên trước đây vì Mỹ không còn phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô từ Trung Đông. Do đó, dù xảy ra gián đoạn nguồn cung lớn từ Trung Đông, giá dầu khó tăng lâu dài. Vụ tấn công hai cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia là một minh chứng cho điều này.

“Vụ tấn công đó là một trong những đòn giáng nặng nề nhất đối với thị trường dầu mỏ toàn cầu xét theo khía cạnh nguồn cung nhưng tác động của nó không kéo dài”, ông nói.

Theo Robert Horrocks, Giám đốc đầu tư của Công ty Matthews Asia, tình trạng leo thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran không khiến giá dầu kéo dài đà tăng trừ khi các dữ liệu kinh tế của Mỹ và châu Âu tốt hơn mong đợi.

Theo CNBC, CNN, BBC

hotline

Let’s get in touch!

Viber Zalo Messenger