CÁC STARTUP MỸ ‘THOÁT HIỂM’ TRONG CUỘC KHỦNG HOẢNG COVID-19

Các cảnh báo cách đây vài tháng về sự suy sụp của hàng loạt công ty khởi nghiệp (startup) ở Mỹ trong cuộc khủng hoảng Covid-19 cho đến nay đã không xảy ra. Ngược lại, rất nhiều startup tận dụng các cơ hội do dịch bệnh tạo ra cũng như thích ứng nhanh với các thay đổi của thị trường để vượt qua thời kỳ khó khăn.

Sam Zaid, Giám đốc điều hành startup Getaround, cho biết hoạt động kinh doanh công ty ông đang phục hồi nhanh. Ảnh: San Francisco Business Times

Kinh doanh phục hồi

Hồi đầu năm nay, startup dùng chung xe Getaround ở San Francisco, bang California sa thải 150 nhân viên và thu hẹp hoạt động sau khi nhận thấy đang “đốt tiền” quá nhiều để mở rộng thị phần. Hai tháng sau, khi dịch Covid-19 lan rộng ở Mỹ, tình hình kinh doanh của công ty này thậm chí còn tệ hơn. Getaround buộc phải sa thải thêm 100 nhân viên nữa đồng thời yêu cầu những người còn ở lại phải chấp nhận giảm lương. Giữa tin đồn về nguy cơ phá sản, Getaround nhận được khoản vay giải cứu nhiều triệu đô la của chính phủ.

Đến tháng 5, điều bất ngờ đã xảy ra. Hoạt động kinh doanh của Getaround phục hồi khi mọi người bắt đầu thuê xe của công ty này trở lại. Tháng trước, Getaround gọi tất cả những nhân viên bị sa thải tạm thời quay lại làm việc và bắt đầu tuyển dụng thêm nhân viên. “Chúng tôi chứng kiến đà phục hồi rất nhanh”, Sam Zaid, Giám đốc điều hành Getaround, nói. Ông cho biết giờ đây, công ty ông đang huy động thêm vốn.

Ngay cả một số startup hứng đòn nặng nhất trong đại dịch cũng đang phục hồi. Startup cho thuê căn hộ Sonder đã sa thải hoặc cho nghỉ việc tạm thời 417 nhân viên hồi tháng 3. Ba tháng sau đó, Francis Davidson, Giám đốc điều hành Sonder, tuyên bố công ty ông đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng với 100 nhân viên đang quay trở lại làm việc hoặc phục hồi số giờ làm việc đầy đủ. Hồi tháng 6, Sonder huy động được 170 triệu đô la, vượt mức mục tiêu 150 triệu đô la đặt ra trước đó.

Nền tảng đặt phòng trực tuyến Airbnb mất hơn một tỉ đô la doanh thu vào thời kỳ ban đầu của đại dịch do khách hủy đơn đặt phòng hàng loạt. Nhưng giờ đây, Airbnb đang chứng kiến lượng đơn đặt phòng phục hồi về mức trước đại dịch khi có nhiều khách hàng muốn đến nghỉ ngơi ở những nơi nằm trong tầm lái xe từ nhà của họ.

Tại cuộc họp trực tuyến gần đây với các nhân viên, Brian Chesky, Giám đốc điều hành Airbnb, bày tỏ sự ngạc nhiên trước tốc độ phục hồi kinh doanh. Ông nói: “Đây là điều mà tôi chưa bao giờ hình dung cách đây tám tuần”.

Vốn đổ vào các startup vẫn mạnh mẽ

Khi đại dịch Covid-19 ập đến nước Mỹ hồi tháng 3, nhiều startup công nghệ ở Mỹ đã chuẩn bị đón nhận điều tồi tệ nhất do doanh thu giảm mạnh. Lúc ấy, các nhà đầu tư vốn mạo hiểm cảnh báo thời kỳ đen tối đang chờ đón họ ở phía trước và các chuyên gia tái cấu trúc doanh nghiệp bắt đầu dự báo một thời kỳ suy thoái bắt đầu diễn ra trên thị trường khởi nghiệp sau một thập kỷ tăng trưởng bùng nổ.

Năm tháng sau đó, không có cơn rung chuyển lớn nào xảy ra trên thị trường khởi nghiệp như dự báo. Nguồn vốn đổ vào các startup non trẻ vẫn mạnh mẽ, đặc biệt là những startup có quy mô lớn. “Nhìn chung, tình hình đã tốt hơn nhiều so với những lo ngại tồi tệ nhất của chúng tôi cách đây 90 ngày”, Rich Wong, nhà đầu tư ở Công ty đầu tư vốn mạo hiểm Accel ở Thung lũng Silicon, nói.

Trong khi các nhà bán lẻ, các chuỗi nhà hàng và nhiều công ty khác đua nhau nộp đơn xin phá sản hoặc đang vất vả chống chọi cơn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử tồn tại của họ, ngành công nghệ phần lớn đã tránh được hậu quả tồi tệ nhất của tác động tàn phá từ cuộc khủng hoảng Covid-19.

Nhu cầu đang tăng vọt ở các startup cung cấp các dịch vụ học hành trực tuyến, khám bệnh từ xa, thương mại điện tử, video game, phát sóng trực tiếp, phần mềm phục vụ làm việc từ xa. Điều này không có nghĩa là các startup công nghệ không bị tổn thương trong thời kỳ dịch bệnh. Một số startup cung cấp dịch vụ du lịch, phần mềm cho nhà hàng hay bán vé các sự kiện đang chứng kiến doanh thu mất hút.

Nhưng nhìn chung, dòng vốn vẫn đang chảy vào các startup ở Mỹ. Theo PitchBook và Hiệp hội vốn đầu tư mạo hiểm quốc gia Mỹ, các startup ở Mỹ huy động được 34,3 tỉ đô la Mỹ trong quí 2-2020, giảm nhẹ so với con số 36 tỉ đô la cách đây một năm.

Một số startup lớn hơn đã nắm bắt cơ hội để huy động thêm vốn từ các nhà đầu tư. Hai startup giao thực phẩm và đồ ăn DoorDash và Instacart, đang đón nhận nhu cầu tăng vọt trong đại dịch và đã huy động tổng cộng hơn 600 triệu đô la Mỹ trong tháng 6, nâng mức định giá của họ lần lượt lên 16 tỉ đô la và 13,7 tỉ đô la.

Robinhood, startup ứng dụng giao dịch chứng khoán trực tuyến miễn phí, cũng huy động thành công 280 triệu đô la trong tháng 5 và thêm 320 triệu đô la nữa trong tháng 7 nhờ các hoạt động giao dịch trong ngày (mở lệnh và đóng lệnh trong ngày) tăng mạnh khi hàng triệu người Mỹ được yêu cầu ở nhà.

Canva, nhà cung cấp phần mềm thiết kế trực tuyến, cũng chứng kiến hoạt động kinh doanh khởi sắc nhờ lượng nhân viên khổng lồ chuyển sang làm việc từ xa, giúp mức định giá của startup này tăng gấp đôi lên sáu tỉ đô la trong tháng 6. Nhờ lượng người dùng tăng gấp đôi trong đại dịch, ứng dụng chat và gọi điện miễn phí Discord huy động thành công 100 triệu đô la chỉ trong vài tuần hồi tháng 6.

“Giới đầu tư đang tập trung vào những startup mà họ sẽ tin sẽ được hưởng lợi trong đại dịch Covid-19 hoặc đang chuyển hướng kinh doanh thành công để thích ứng với bình thường mới”,  Heather Gates, Giám đốc tư vấn startup ở hãng kiếm toán Deloitte, nhận định.

Với mức định giá 16 tỉ đô la Mỹ, startup giao đồ ăn DoorDash huy động thành công 400 triệu đô la trong tháng 6. Ảnh: Techstartups

Cơn hoảng loạn tan biến

Khắp Thung lũng Silicon, cơn hoảng loạn trên thị trường khởi nghiệp bắt đầu tan biến kể từ tháng 5 khi làn sóng sa thải bắt đầu chậm lại. Theo Layoffs.fyi, một nền tảng chuyên theo dõi tình hình sa thải ở các startup, chỉ 5% trong số hàng trăm startup sa thải nhân viên dừng hoạt động. Trong khi đó, số công việc mà các startup đăng tuyển trên nền tảng tuyển dụng Drafted ở Mỹ đã tăng 30% vào tháng trước.

Chi tiêu của các startup bắt đầu tăng trở lại. Brex, startup cung cấp thẻ tín dụng doanh nghiệp cho gần 10.000 startup ở Mỹ, cho biết chi tiêu của các startup cho các hạng mục như phần mềm, máy chủ và quảng cáo giờ đây đã cao hơn 30% so với hồi tháng 2.

Một số startup nhanh chóng điều chỉnh hoạt động kinh doanh để phù hợp với tình hình mới trong thời kỳ dịch bệnh.
Một trong số đó là ActivityHero, nền tảng chuyên bán các gói hoạt động ngoại khóa cho trẻ em chẳng hạn như các lớp học thêm và trại hè, có trụ sở ở San Francisco. Hồi tháng 4, lượng khách của startup này giảm 88% khi các đơn vị tổ chức trại hè trên cả nước hủy bỏ các chương trình của họ. Lúc đó, Peggy Chang, Giám đốc điều hành ActivityHero, lo công ty bà sẽ không trụ nổi đến hết năm nay.

Vì vậy, ActivityHero khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ tung ra các hoạt động trực tuyến và quảng bá chúng đến các bậc phụ huynh kèm theo các mức giảm giá và các lớp học trực tuyến miễn phí. Đến mùa hè này, lượng khách đã phục hồi trở lại dù các hoạt động ngoại khóa chỉ diễn ra trực tuyến. Giờ đây, Peggy Chang, nhận thấy rằng các hoạt động trực tuyến là bàn đạp giúp công ty bà mở rộng hoạt động nhanh hơn một khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát.

Trong một cuộc khảo sát hồi tháng 6 do Công ty OMERS Ventures thực hiện ở hơn 150 công ty đầu tư vốn mạo hiểm, hơn 2/3 ý kiến cho biết họ sẵn sàng thực hiện các thương vụ đầu tư từ xa. Trong khi đó, 50% ý kiến cho biết kế hoạch ký kết các thương vụ đầu tư mới của họ ở mức ngang bằng hoặc tăng so với thời điểm trước đại dịch.

Theo New York Times

hotline

Let’s get in touch!

Viber Zalo Messenger