Truyền hình cáp ở Mỹ ‘hụt hơi’ trước các đối thủ phát sóng trực tiếp

Áp lực ngày càng đè nặng lên các nhà cung cấp truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh ở Mỹ khi họ chứng kiến 5,5 triệu khách hàng của họ hủy thuê bao trong năm 2019, tăng tốc so với con số 3,8 triệu khách thuê bao bị mất mát trong năm 2018.

 

Ngày càng có nhiều khách hàng ở Mỹ cắt dịch vụ truyền hình cáp để chuyển sang sử dụng các dịch vụ phát sóng trực tiếp như Netflix, Hulu, Prime Video (Amazon)… Ảnh: BestTechie

Hôm 19-2, Công ty phân tích MoffettNathanson công bố báo cáo cho biết các công ty truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh lớn ở Mỹ mất 5,5 triệu thuê bao vào năm ngoái khi khách hàng chuyển sang thuê bao các dịch vụ phát sóng trực tiếp (live streaming) dựa vào nền tảng Internet có phí rẻ hơn như Netflix, Hulu, hay Prime Video của Amazon và Apple TV + của Apple.

Tốc độ khách hàng hủy bỏ các gói thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống vào năm ngoái tăng 70% so với năm 2018. Các nhà phân tích của MoffettNathanson lưu ý rằng, con số 5,5 triệu nói trên chưa tính đến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp nhỏ vì họ chưa công bố báo cáo hoạt động cho cả năm 2019.

Ngân sách hoạt động của các công ty truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh ngày càng tăng do họ phải trang trải chi phí thiết bị và lắp đặt cũng như chi phí sản xuất chương trình ngày càng càng cao.

Điều này buộc họ phải tăng phí gói thuê bao, dẫn đến nhiều khách hàng cắt dịch vụ và chuyển sang thuê bao của các nền tảng truyền hình phát sóng trực tiếp có phí rẻ hơn.

Giới phân tích dự báo sẽ có nhiều hộ gia đình Mỹ “cắt cáp” trong năm nay.

Tuần trước, trong thư gửi cho giới đầu tư, ông Anthony Wood, Giám đốc điều hành hãng sản xuất thiết bị phát sóng trực tuyến Roku (Mỹ) dự báo đến năm 2024, 50% hộ gia đình đang sử dụng tivi ở Mỹ sẽ không thuê bao hoặc cắt thuê bao dịch vụ truyền hình cáp và vệ tinh hiện tại của họ.

“Các công ty truyền hình cáp đã chấp nhận ý nghĩ khách hàng rời bỏ họ. Họ sẽ tăng chi phí sản xuất chương trình và chuyển chi phí này sang cho khách hàng, khiến dịch vụ truyền hình cáp trả tiền càng bị cuốn nhanh vào vòng xoáy suy thoái”, Craig Moffett, nhà phân tích ở Công ty MoffettNathanson, nói.

Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hàng đầu nước Mỹ bao gồm Comcast, Charter Communications và Altice USA đã mất tổng cộng 1 triệu khách hàng trong năm 2019.

Trong khi đó, số khách hàng rời bỏ các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh thậm chí còn cao hơn. Hãng viễn thông AT&T chịu tổn thương nặng nhất khi chứng kiến số khách hàng thuê bao dịch vụ truyền hình vệ tinh và truyền hình cáp suy giảm 3,4 triệu trong năm 2019. Hãng truyền hình vệ tinh Dish Network cũng mất 500.000 khách thuê bao vào năm ngoái.

Phí các gói thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống không ngừng tăng trong những năm gần đây một phần là do chi phí sản xuất chương trình tăng, bao gồm chi phí truyền tin tức thời sự và các chương trình thể thao trực tiếp, hai phân khúc giúp giữ chân khách hàng.

Comcast cho biết phí thuê bao truyền hình cáp của hãng này sẽ tăng 3,6% trong năm 2020, nhanh hơn so với mức tăng 3,3% vào năm ngoái. Trong khi đó, hãng truyền hình cáp Altice USA nói rằng phí thuê của hãng này tăng từ 4-5% trong thời gian gần đây, cao hơn so với mức tăng thông thường 3-3,5% mỗi năm.

Comcast mất khoảng 733.000 khách hàng thuê bao truyền hình cáp trong năm 2019. Trong cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh mới đây, Comcast dự báo mức suy giảm số khách thuê bao truyền hình trả tiền truyền thống của hãng này sẽ tăng tốc trong năm 2020 do phí thuê bao tăng và do khách hàng chuyển sang sử dụng các nền tảng phát sóng trực tiếp.

Nhà phân tích Moffett nhận định các hãng truyền hình truyền thống rất khó đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhóm khách hàng hâm mộ thể thao trước các gói dịch vụ đa dạng của các nền tảng phát sóng truyền hình trực tiếp.
Thị trường phát sóng truyền hình trực tiếp ở Mỹ ngày càng sôi động với sự gia nhập của Disney+ (Walt Disney), Apple TV+ (Apple) hồi năm ngoái để cạnh tranh với các nền tảng hiện hành như Netflix, Prime Video (Amazon).

Để tránh mất khách hàng, một số hãng truyền hình truyền thống đã giới thiệu dịch vụ truyền hình Internet. Chẳng hạn, hãng truyền hình vệ tinh Dish Network đã ra mắt dịch vụ truyền hình Internet Sling TV từ năm 2015.

Tính đến nay, Sling TV đã thu hút được gần 2,6 triệu thuê bao. Phí thuê bao của gói dịch vụ này chỉ 30 đô la/tháng, rẻ hơn rất nhiều với phí thuê bao trung bình của các gói truyền hình cáp 100 đô la/tháng.

Trong khi đó, dịch vụ truyền hình Internet TV Now của AT&T, ra mắt từ năm 2016, có mức phí 50-70 đô la/tháng. Sở dĩ các dịch vụ này có phí rẻ một phần là nhờ giảm bớt các kênh phát sóng chẳng hạn kênh tin tức địa phương.

AT&T đang lên kế hoạch ra mắt dịch vụ phát sóng video theo yêu cầu HBO Max với mức phí chỉ 15 đô la/tháng vào tháng 5 tới. Tháng 4 tới, đối thủ Comcast cũng sẽ ra mắt dịch vụ phát sóng trực tiếp Peacock với gói thuê bao đắt nhất chỉ 10 đô la/tháng.

Khánh Lan – Theo Wall Street Journal

hotline

Let’s get in touch!

Viber Zalo Messenger