Khoảng cách thế hệ tạo ra những nhìn nhận, đánh giá khác nhau về âm nhạc, thời trang và chính trị. Và khoảng cách này càng rõ rệt hơn khi liên quan đến bất động sản.
Bắt đầu từ những năm 1990, số tiền đầu tư vào bất động sản cũng như giá trị của mỗi khoản đầu tư đó đã khác biệt đáng kể qua từng thế hệ tại Mỹ. Dù rằng có thể liên quan một chút đến sự may mắn và tính thời điểm, những điều này vẫn góp phần định hình nên cảm nhận chung của mỗi thế hệ về việc sở hữu một ngôi nhà.
Jason Dorsey, Chủ tịch của Generational Kinetics, một doanh nghiệp nghiên cứu và tư vấn chiến lược có trụ sở tại Austin, chỉ ra một vài yếu tố chính tác dộng đến số tiền chi trả cũng như lựa chọn về nhà ở qua từng thế hệ tại Mỹ.
Thế hệ Z (sinh từ năm 1996 đến 2010)
Nếu bạn định nghĩa về Gen Z là những người yêu thích các công việc tạm thời và nền kinh tế cho thuê (rental economy) thì bạn chắc chắn đã nhầm.
Dorsey nói: “Thế hệ Z đủ trưởng thành để ghi nhớ về cuộc Đại suy thoái, nhưng cũng đủ trẻ để điều chỉnh quan điểm. Bởi họ đã chứng kiến sự vất vả của cha mẹ mình do mất việc”.
Suy rộng ra, thế hệ Z có quan niệm về tài chính bảo thủ và có xu hướng hoài nghi lớn hơn đối với tín dụng và các khoản nợ. Họ cũng tìm kiếm các công việc ổn định hơn, và có khả năng sử dụng các ứng dụng khuyến khích tiết kiệm tiền và cải thiện điểm tín dụng.
Dorsey giải thích thêm: “Chúng tôi gọi thế hệ Z là thế hệ quay lại, bởi họ giống thế hệ baby boomers trên nhiều phương diện”.
Một cuộc khảo sát gần đây của Freddie Mac chứng minh nhận định này. Nó cho thấy 86% người được hỏi thuộc thế hệ Z muốn sở hữu một ngôi nhà và ước tính trung bình rằng họ sẽ “đạt được mục tiêu này vào năm 30 tuổi, trẻ hơn 3 tuổi so với tuổi mua nhà trung bình ở thời điểm hiện tại”.
So với các cuộc khảo sát trước đó, Freddie Mac nhận thấy rằng “ít người từ 18 đến 23 tuổi của thế hệ Z thấy đi thuê nhà hấp dẫn hơn là mua nhà, so với thế hệ millennials ở cùng độ tuổi (19% đến 30%); ít người tin rằng đi thuê nhà mang lại cảm giác thuộc về một cộng đồng (33% đến 39%); và ít người cho rằng đi thuê nhà tốn ít tiền hơn là sở hữu một ngôi nhà (40% đến 51%)”.
Thế hệ millennials (sinh từ năm 1981 đến 1996)
Không phải thế hệ millennials không muốn sở hữu nhà, nhưng nền kinh tế khó khăn do cuộc Đại suy thoái đã khiến các dự định của họ bị chậm lại. Nhiều người mới ra trường không thể tìm được việc làm, không thể định cư do buộc phải lựa chọn một công việc không lý tưởng, hoặc được trả lương thấp hơn. Chưa kể, họ còn phải gánh khoản nợ học đại học rất lớn do bùng nổ chi phí giáo dục tại Mỹ.
Theo Trung tâm nghiên cứu Pew: “Trong cùng độ tuổi, thế hệ millennials đi sau các thế hệ trước ở cả ba thước đo cuộc sống điển hình là cùng sống với gia đình, tỷ lệ kết hôn, và tỷ lệ sinh”.
Họ cũng phát hiện ra rằng vào năm 2019, 55% thế hệ millennials sống với gia đình. Con số này thấp hơn so với 66% của thế hệ X sinh năm 2003, 69% của thế hệ baby boomers sinh năm 1987, và 85% của thế hệ silent sinh năm 1968.
Thế hệ millennials chỉ mới bắt đầu mua nhà nhiều hơn vào trước thời kỳ dịch bệnh, một phần bởi họ bị ảnh hưởng bởi làn sóng sở hữu ngôi nhà đầu tiên khi bước vào độ tuổi 30.
Thế hệ X (sinh từ năm 1965 đến 1981)
Kinh nghiệm của thế hệ X với bất động sản có xu hướng tập trung vào việc liệu họ có ở trong khu vực mà giá cả đã hồi phục hoàn toàn sau cuộc Đại suy thoái hay không. Nếu có, họ thường xem đó là một cách tích cực để làm giàu. Nhưng nếu không, họ sẽ giữ quan điểm tiêu cực hơn.
Dorsey nói: “Thế hệ X đã thấy cả điều tốt và điều xấu trong thời đại của mình, bao gồm sự tăng giá nhà nhanh chóng và sự sụp đổ thị trường cũng chóng vánh không kém”.
Thế hệ baby boomers (sinh từ năm 1945 đến 1965)
Thế hệ này nhìn nhận bất động sản như một khoản đầu tư để tạo ra của cải và xây dựng tổ ấm. Điều này dẫn tới một bước ngoặt thú vị khi đặt lên bàn cân hai thế hệ baby boomers và millennials: Liệu thế hệ millennials có thể bắt kịp thế hệ baby boomers về mặt tài chính thông qua việc nhận chuyển giao tài sản từ cha mẹ họ hay không? Dù điều này đã được dự đoán từ lâu, nhưng Dorsey lại tỏ ra không chắc chắn, bởi “thế hệ baby boomers đang sống thọ tới mức họ có thể tiêu hết tài sản thừa kế dành cho con cái”.
Thế hệ silent (sinh từ năm 1925 đến 1945)
Thế hệ silent có những trải nghiệm rất khác so với các thế hệ sau này.
Dorsey nói: “Họ trưởng thành trong quá trình phát triển nhanh chóng của các vùng ngoại ô sau Thế chiến thứ 2. Là cha mẹ của thế hệ baby boomers, họ đã chứng kiến quá trình đất nông nghiệp trở thành những cộng đồng dân cư được quy hoạch tổng thể. Do vậy, họ cũng nhìn thấy sự thăng trầm về giá trị của bất động sản tại các thành phố”.
Dorsey cho rằng thế hệ silent đang ngày càng nỗ lực đơn giản hóa các trách nhiệm của họ về bất động sản cũng như sở hữu nhà ở. Họ sẽ chuyển đến những nơi ở nhỏ hơn hoặc dễ bảo trì hơn. Họ cũng đang chuẩn bị kế hoạch chuyển giao tài sản thừa kế cho con cháu, đồng thời tìm cách “duy trì chất lượng cuộc sống, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, và tăng cường sự gần gũi với các thành viên trong gia đình và bạn bè”.
Lam Vy – CafeLand