Quyền hạn liên quan đến an ninh chính trị và kinh tế

Luật về Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế

Luật về Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), được thông qua năm 1977, cho phép tổng thống được quyền phong toả tài sản nước ngoài ở Mỹ, cấm vận thương mại, và tiến hành các biện pháp cần thiết khác để đối phó với những đe doạ bất thường hoặc đặc biệt đối với an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại, hoặc những lợi ích kinh tế của Mỹ.

Theo luật này tổng thống, sau khi thăm dò kiến ở Quốc hội, có thể ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì có một sự đe doạ từ một nguồn bên ngoài nước Mỹ. Sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp, tổng thống có quyền “điều tra, điều chỉnh, bắt buộc, hoặc cấm” chính thức các giao dịch kinh tế của các thực thể nước ngoài ở Mỹ.

Khi tình trạng khẩn cấp quốc gia có hiệu lực, tổng thống phải trình lên Quốc hội một báo cáo chi tiết giải thích và chứng minh những hành động của mình.

Luật IEEPA có thể được sử dụng kết hợp với luật khác trong việc áp dụng sự trừng phạt kinh tế khẩn cấp.

Luật IEEPA đã được sử dụng trong các trường hợp dưới đây:

    * Tổng thổng Jimmy Carter, vào tháng 11 năm 1979, đã phong toả tài sản của Iran ở Mỹ đáp lại vụ bắt cóc con tin tại Ðại sứ quán Mỹ ở Tê-hê- ran.
    * Tổng thống Ronal Reagan, vào tháng 5 năm 1985, đã cấm vận thương mại đối với Ni-ca-ra-goa, cấm vận một số giao dịch thương mại và tài chính với chính quyền Nam Phi vào tháng 10 năm 1985, và cấm vận các mối liên hệ thương mại và giao thông vận tải, gia hạn tín dụng, và du lịch đối với Libi vào tháng 1 năm 1986.
    * Tổng thống George Bush, vào tháng 8 năm 1990, đã phong toả tài sản của I- rắc và Cô-ét và áp dụng cấm vận thương mại đối với I- rắc, và vào tháng 9 năm 1990, gia hạn hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Luật Quản lý Xuất khẩu năm 1979 đã hết hạn.
    * Tổng thống Clinton, vào tháng 8 năm 1994, đã tiếp tục gia hạn hệ thống kiểm soát xuất khẩu của luật Quản lý Xuất khẩu năm 1979 đã hết hạn và, vào tháng 3 năm 1996, ngăn chặn những hoạt động giao dịch với việc quản lý hoặc phát triển ngành công nghiệp dầu khí của I- ran.

Luật Buôn bán với Nước Thù địch

Luật buôn bán với nước thù địch (Trading With the Enemy Act), lần đầu tiên được thông qua vào năm 1917, cấm hoạt động buôn bán của Mỹ với các nước thù địch hoặc đồng minh của một nước thù địch trong thời chiến. Năm 1977, quyền hạn của tổng thống được quy định trong Luật buôn bán với nước thù địch để kiểm soát các giao dịch kinh tế trong thời bình được chuyển sang Luật Quyền hạn Kinh tế trong Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA). Kể từ đó, IEEPA là công cụ chính để áp đặt các biện pháp kinh tế đối với các nước thù địch khi không có một tuyên bố chiến tranh chính thức nào.

Luật Kiểm soát Buôn bán Ma tuý (Narcotics Control Trade Act)

Luật này, là một bộ phận của Luật Cưỡng chế, Giáo dục, và Kiểm soát Ma tuý (Drug Enforcement, Education, and Cotrol Act) năm 1986, thiết lập một quy trình dùng làm căn cứ để tổng thống áp đặt một mức độ trừng phạt thương mại được coi là phù hợp đối với các nước lớn sản xuất ma tuý hoặc trung chuyển ma tuý mà không chịu hợp tác với Mỹ.

Theo luật này, nếu một nước bị coi là không hợp tác đầy đủ với Mỹ trong những nỗ lực chống ma tuý, tổng thống có thể hủy bỏ tất cả những đối xử ưu đãi thuế quan, như GSP, CBI, và ATPA, đánh thuế lên tới 50% giá trị của các sản phẩm, đình chỉ các dịch vụ thương mại hàng không, và thực hiện các biện pháp khác.

Luật An ninh Quốc tế và Hợp tác Phát triển năm 1985

Ðiều 505 của luật này quy định tổng thống có toàn quyền hạn chế hoặc cấm nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào mà Mỹ đã xác định là hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố hoặc tổ chức khủng bố hoặc chứa chấp những kẻ khủng bố hoặc tổ chức khủng bố. Tổng thống phải thăm dò ý kiến trước ở Quốc hội về việc sử dụng quyền này và phải trình báo cáo lên Quốc hội hai lần một năm.

Cấm vận chống Cuba

Cấm vận thương mại được áp dụng chống Cuba năm 1960 theo quy định chung của Luật Kiểm soát Xuất khẩu năm 1949. Việc tiếp tục cấm vận được quy định trong Luật Viện trợ Nước ngoài (Foreign Assistance Act) năm 1961 và các luật tiếp theo.

Khi luật liên quan đến trao đổi thương mại với Cuban vẫn còn hiệu lực, không một sản phẩm hoặc dịch vụ nào có thể xuất khẩu sang nước này trực tiếp hoặc thông qua nước thứ ba nào trừ những vật tư xuất bản phẩm và thông tin và những hàng hoá nhân đạo khác được Bộ Thương mại cấp phép xuất khẩu như cung cấp dược phẩm và thiết bị y tế. Người Mỹ không được buôn bán hoặc giúp đỡ việc bán hàng hoá đến hoặc từ Cuba ở khu vực ngoài khơi. Hàng hoá và dịch vụ có xuất xứ từ Cuba không được nhập vào Mỹ thông qua các nước thứ ba. Không một tàu thuyền nào được phép được chở hàng hoá hoặc hành khách đến hoặc từ Cuba hoặc chở hàng hoá trong đó Cuba có bất kỳ lợi ích nào được cập cảng của Mỹ. Tàu thuyền có quan hệ buôn bán với Cuba bị cấm chở hoặc dỡ hàng tại bất cứ nơi nào trên nước Mỹ trong vòng 180 ngày sau khi dời cảng của Cuba.

Những hoạt động trừng phạt kinh tế của Mỹ chống Cuba đã được tăng cường bằng việc thông qua Luật Libertad, còn gọi là “Luật Helms-Burton” do Thượng nghị sĩ Jesse Helms và Nghị sĩ Quốc hội Dan Burton đề xuất. Luật này không có những hạn chế thương mại mới, mà chủ yếu là tạo sức ép đối với các công ty đầu tư vào Cuba.

Luật Trừng phạt I- rắc năm 1990

Luật trừng phạt I- rắc được ban hành thành luật cấm vận thương mại và những biện pháp trừng phạt kinh tế khác áp dụng đối với I- rắc theo yêu cầu của tổng thống ngay sau khi I- rắc đánh chiếm Cô-óet.

Luật này áp đặt những biện pháp trừng phạt vượt xa yêu cầu của tổng thống. Nó bao gồm những quy định nhằm vào việc tăng cường sự tuân thủ của các nước thứ ba với các lệnh trừng phạt chống I- rắc của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Luật Trừng phạt I- ran và Libi năm 1996

Tổng thống Clinton đã ký Luật trừng phạt I-ran và Libi tháng 5 năm 1996. Luật này thắt chặt những lệnh trừng phạt đang tồn tại đối với hai nước trên. Luật quy định những hình phạt đối với bất kỳ một cá nhân hoặc công ty nào của Mỹ, bao gồm cả các công ty của Mỹ hoặc công ty mẹ hoặc công ty con, đóng góp trực tiếp và quan trọng vào sự phát triển các nguồn dầu khí của một trong hai hoặc cả hai nước. Luật này áp dụng đối với bất kỳ một khoản đầu tư từ 40 triệu đô-la trở lên, hoặc bất kỳ sự kết hợp của các khoản đầu tư giá trị ít nhất từ 10 triệu đô-la lên tới 40 triệu đô-la, được thực hiện trong một giai đoạn 12 tháng. Những cá nhân hoặc công ty của Mỹ cũng phải đối mặt với những lệnh trừng phạt vì cung cấp cho Libi hàng hoá, dịch vụ góp phần đáng kể vào khả năng của Libi lấy được các vũ khí hoá học, sinh học và hạt nhân hoặc một số lượng đáng kể và chủng loại vũ khí thông thường, hoặc góp phần vào khả năng của Libi duy trì năng lực hàng không của họ. Luật này còn quy định một số biện pháp trừng phạt khác.

Luật Chống Khủng bố vàán Tử hình năm 1996

Luật này coi một công dân hoặc người định cư ở Mỹ phạm tội nếu họ có dính líu đến những vụ giao dịch tài chính với các chính phủ Cuba, I-ran, I- rắc, Libi, Bắc Triều tiên, Xu-đăng, và Syria trừ những giao dịch được đề cập trong các quy định của Bộ trưởng Tài chính sau khi tham khảo ý kiến của Bộ trưởng Ngoại giao. Các nước này nằm trong danh sách của chính phủ Mỹ liên quan đến các chính phủ bị xét là ủng hộ hoạt động khủng bố quốc tế.

Các lệnh Trừng phạt Kinh tế Ðơn phương khác

Các luật yêu cầu tổng thống áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế đơn phương chống lại một nước vì những lý do phi kinh tế thường ở mức độ cao hơn luật, ví dụ như Ðạo luật Viện trợ Nước ngoài.

Ngăn chặn đầu tư nước ngoài vào các ngành có liên quan đến Quốc phòng

Sau đề xuất của Công ty Fujitsu, Nhật bản, mua 80% cổ phần một nhà máy sản xuất bán dẫn quan trọng của Mỹ năm 1988, Quốc hội đã thông qua một Luật Sản xuất Quốc phòng sửa đổi cho phép tổng thống ngăn chặn các công ty nước ngoài mua những công ty được xem là quan trọng đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Luật này có tên là Exon-Florio, do thượng nghị sĩ James Exon và đại diện Jim Florio đề xuất. Theo luật này, có thể đình chỉ hoặc cấm bất cứ vụ mua lại, sáp nhập, hoặc thôn tính các công ty của Mỹ bởi người nước ngoài nếu tổng thống xác định rằng người mua nước ngoài sẽ thực hiện những hoạt động có thể đe doạ đến an ninh quốc gia.

Khi quyết định sử dụng quyền này, tổng thống có thể xem xét những nhân tố như hoạt động sản xuất trong nước cần thiết đối với những điều kiện quốc phòng, năng lực của các ngành công nghiệp trong nước đáp ứng những điều kiện quốc phòng, và tác động của sự kiểm soát các ngành công nghiệp trong nước và các hoạt động thương mại của các công dân nước ngoài đối với khả năng của Mỹ đáp ứng những điều kiện quốc phòng.

hotline

Let’s get in touch!

Viber Zalo Messenger